Nhớ lại một thời TNXP

Năm 1975, giải phóng Miền Nam, sau nhiều biến động làm xáo trộn xã hội ,đời sống của nhiều người dân trong cả nước đều lâm vào cảnh  chật vật, khó khăn. Vào khoảng tháng 2 năm 1977, nổi lên một phong trào đưa thanh niên đi xây dựng các nông trường và vùng kinh tế mới.
   Nên khi có lệnh của Tỉnh Thuận Hải phát động phong trào TNXP tôi liền đăng ký tham gia.Trước hết là giải quyết được một miệng ăn cho gia đình,sau nữa tránh cho ba đứa em gái đang trong độ tuổi nghĩa vụ được ở lại nhà.Xã Quãng Sơn chúng tôi là đơn vị đi đợt đầu tiên, nơi đến là nông trường 16-4 cách xa khoảng 6km.
    Đại đội của chúng tôi được gọi là đại đội Quãng Sơn, tập hợp khoảng chín chục thanh niên nam nữ độ tuổi từ 20 đến 30, một số ít là thanh niên mới lớn còn đa phần là lính tráng cấp thấp,học tập cải tạo 15 ngày tại địa phương ,binh chủng đa dạng: BĐQ,TQLC, ĐPQ,Dù,thám báo,pháo binh,.Nông trường nơi chúng tôi đến ,nằm bên bờ sông Cái, qua hai cây cầu , phía ngoài là cầu Ninh Bình, phía trong là cầu Quãng Ninh. Nông trường bộ nằm ngay ở dưới chân cầu ,gồm chục nóc nhà  bằng tre lợp lá buông, chung quanh là sông suối và rừng còn nguyên sinh hoang dã.
   Đón chúng tôi là một số cán bộ nông trường ,tuổi chừng 40 trở lên. Họ là những cán bộ tập kết từ Bắc  trở về, biên chế lại thành một bộ khung chỉ huy.Tất cả tập trung lại trước sân nghe thông báo về nhiệm vụ sắp tới là lao động khai hoang, bằng dao rựa, chỉ tiêu diện tích vào khoảng 50 héc ta rừng dầu nguyên sinh, để trồng bông vải.
  Bữa ăn đầu tiên của chúng tôi là được một bữa no nê gồm cơm không độn với cá khô nấu lá giang, bắp cải luộc,trong lúc ăn, một ông cán bộ đứng giữa nói lớn: Các cháu ăn xong thì chỉ chổ cho mấy chú lặn mà vớt soong nồi lên nghe!!Tôi tự nghỉ sao mà mấy ông này tâm lý quá ?mà đúng như vậy, một số tiểu đội khác khi ăn xong đã đá luôn soong nồi xuống suối, họ muốn nổi loạn, phá phách.
  Những ngày tiếp theo, sáng cuốc xẻng, xà beng tiến vào rừng khai hoang.Mỗi tổ trong một ngày phải hạ cho được một cây gổ khoảng hai người ôm và đào luôn bộ rể để sau này xe cơ giới vào xẻ luống cho nhanh, 11g cuốc bộ về trại,sau khi ăn xong được nghỉ trưa đến 2g là phải ra lại hiện trường, lao động tiếp cho hết buổi chiều.
 Sau những ngày đầu bở ngỡ, chúng tôi quen dần với nếp sống mới, có thêm bạn bè, cuộc sống vất vả hằng ngày không làm yếu đi sức trẻ,những trò đùa nghịch vô tư có khi dẫn đến những trận đánh lộn tập thể, đáng nhớ nhất là trò"đạp xích lô",trong giờ ngủ trưa nạn nhân là những anh chàng nào  mê ngủ, căn phòng đang yên tĩnh bổng  nghe một tiếng rú lên hốt hoảng, nhìn sang thì thấy một anh chàng đang nhảy cửng lên, hai chân múa may quay cuồng vì các kẻ  chân bị kẹp giấy và đốt cháy.Ban đêm có lẽ là thời gian vui nhất trong ngày. Buổi tối sau khi tập họp tại hội trường sinh hoạt tập thể ,khoảng một tiếng sau đó, chúng tôi được tự do giải tán, mạnh ai nấy đi chơi, nhưng không được vượt ra khỏi con dốc trước doanh trại, ở đó có bảo vệ canh gác.
 Chúng tôi đốt một đống lửa lớn, uống trà, cà phê và hát nhạc tiền chiến, Phạm Duy, Đoàn Chuẩn Từ Linh,Từ Công Phụng.. những bản nhạc này thời đó gọi là nhạc vàng và bị cấm hát, nhưng ở đây ,giữa rừng sâu chúng tôi cứ chơi, thỉnh thoảng có anh cán bộ ghé lại  và hỏi nhạc gì hay thế? Hầu hết những cán bộ ở đây là dân du kích từ rừng ra nên loại nhạc này họ không hay biết.Rồi ngày lại ngày, công việc cứ tiếp tục như vậy, mệt mỏi nhưng vui, có đêm đang ngủ thì nghe ở cuối phòng có ai đó la lớn: ăn trộm, ăn trộm cả phòng bật dậy nhìn quanh chợt nhận ra một vài anh đang nằm chèo queo không có mùng, thì ra đã bị kẻ trộm đã tháo mất .
 6g sáng, sau một hồi kẻng lanh lảnh,cả đại đội tập họp trước sân để tập thể dục, sau đó xuống suối , đánh răng rữa mặt.Sáng hôm đó tôi thấy một nhân vật khá đặc biệt,người ốm tong teo đang vục mặt xuống suối súc miệng thì một anh bạn đứng kế bên gọi lớn:- Ê Năm , mày cũng đánh răng hả?Gã kia quay mặt lại, tôi chợt rùng mình khi thấy một bên má phải của gã bị thủng một lổ cở đồng xu và hàm răng cửa không còn cái nào.Sau này mới biết  ,gã này có biệt danh là Năm Mùng, tác giả của những cái mùng  bị mất hằng đêm, xuất thân là lính Dù, bị thương trước giải phóng khoảng ba tháng.
  Sau hai tháng bứng cây chặt gốc, cả đại đội khai hoang được hơn một héc ta rừng cây dầu, cũng may đất ở đây khá mềm.Có tin là nông trường sẽ nhận thêm một số thanh niên mới, từ thị xã Phan Rang  nên việc đốn cây phá rừng tạm ngưng.Cả đại đội chuyển qua chặt tre về làm lán trại, đợt này chúng tôi được xe máy kéo chở lên mật khu Bác Ái cách nông trường khoảng 30 km về hướng tây, gạo muối mang theo một tuần, ban ngày leo lên các triền núi chặt tre, sau đó bó lại và thả xuống theo các triền dốc thoai thoải, đợi xe nông trường lên chở về. Trong thời gian ở đây, tôi có dịp tiếp xúc nhiều với người dân tộc Rắc Lây, những con người chân chất ,trung thực, đặc biệt  là rất mến bộ đội, họ lầm tưởng chúng tôi là bộ đội vì  cái nón cối. Người Rắc Lây sống quần tụ với nhau mỗi bản chừng mươi nóc nhà, ven suối. Nhà của trưởng bản to nhất, cũng nhà sàn lợp tranh, vách phên nứa.Người già được gọi là Ama, phụ nữ ở trần, quấn váy, đàn ông có người còn đóng khố, bằng vỏ cây dầu đập tơi ra.Trong những ngày lang thang trên rừng núi đó, tôi đã được  biết những món ăn lạ lùng như : cháo bắp, lá bép nấu với chân con công mà chủ nhà treo trên giàn bếp,chỉ nhúng vào nồi cháo như cách ta nêm bột ngọt.Còn khi mời rượu, thì tay chủ nhà đặt dưới tay khách và nói chuyện đến khi nào khách uống xong bát rượu mới thôi , khiến ta cảm thấy rất lịch sự và  trân trọng.Những món đồ mà họ rất thích đó là : một nón cối đổi được một con gà mái,  một áo kaki đổi được một con heo mọi khoảng 5 ký.Vì những món đang" hút hàng"này mà hàng loạt nón cối bị mất mỗi đêm ở trong doanh trại.Có lần, chúng tôi được một trận cười nghiêng ngữa.Hôm đó vào ngày nghỉ,chúng tôi đang ở trong lán trại thì nghe tiếng một người đàn ông dân tộc đang hỏi tìm một người nào đó, nhìn ra ngoài chợt thấy ông Ama Câu, một người quen của chúng tôi,đang đi vào tay xách một lồng chim kéc .Ông nói là tìm Anh Truyền để trả nợ hai cái nón cối mà anh ta đã bán cho ông tuần trước.Nhìn một ông già dân tộc khuôn mặt ngây ngô, trên đầu đội một cái nón cối còn mới viết những dòng chử đậm bằng bút bi : ĐỜI CEST LA VIE , CHACUN AMOUREUR QUI QUITTE  MOI COMME DES PETITES RIVIÈRES*( Từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ-), chợt thấy từ lán bên kia một người chạy đến bên ông già và lột phăng cái nón,tay này là Lê Trung Lân, cấp dưỡng đại đội, hắn nói đây chính là cái nón của hắn bị mất tuần trước.Tội nghiệp ông già không hiểu chuyện gì đang xảy ra và Anh Truyền phải thế một cái khác.Đối người dân tộc thời đó sắm được một cái radio hoặc một chiếc xe đạp là vô cùng lớn lao, hình ảnh những cựu chiến binh người Rắc Lây ,mỗi kỳ về huyện nhận lương ,sau khi chếnh choáng hơi men, lầm lủi đi một mình xuyên rừng nhưng từ đằng xa đã vang lên tiếng nhạc từ cái radio,cũng nhờ vậy mà nhiều anh chàng được tìm thấy, khi đang ngủ vùi trong một góc rừng nào đó.Có lần ông Ama Thạch, công an của xã Trà Co gặp chúng tôi và nói:Cán bộ cho mình mấy viên đạn carbine nghe, mình sẽ cho thịt nai mà ăn.Mà đúng như vậy khi chúng tôi xin được năm viên đạn đưa cho ông ta thì buổi sáng hôm sau ông đem đến cho chúng tôi một đùi nai còn tươi nguyên.Khi được hỏi nai ở đâu mà anh bắn tài thế,ông  nói: Mình có súng nhưng không có đạn, con nai nằm ở chổ nào mình biết cả,nhưng khi nào cần thịt mới đi lấy về,có đạn là có thịt, ông ta nói chắc chắn như vậy.
Vào khoảng tháng chín, sau khi thu hoạch mùa màng xong là họ tổ chức Hội làng mừng lúa mới,tiếng nói là lúa mới nhưng cuộc sống của họ còn khổ gấp nhiều lần người kinh,nương rẫy bạc màu, cây lương thực chính là cây bắp,thỉnh thoảng mới trồng tỉa thêm một vài nương lúa nhưng thú rừng và chim trời ăn gần hết,nên thức ăn chính của họ vẫn là bắp trộn với lá bép , nấu trong một nồi lớn ,nêm thêm một nắm muối là xong.Người ăn xong thì múc cho heo, gà chó.Đôi khi ,săn bắt hoặc bẫy được vài con thú rừng thì chia cho dân trong bản, số còn lại thì phơi khô để ăn dần. Cũng trong dịp này,lễ bỏ mả được tổ chức.Người từ các bản làng tập trung về khu rừng thiêng, nơi có nhà mồ để làm lễ cải táng cho người chết , tổ chức khá long trọng, có đâm trâu, mỗ heo gà và uống rượu cần kéo dài suốt ba ngày đêm, trong tiếng cồng chiêng vang dội núi rừng.
   Trở lại nông trường để xây dựng lán trại chuẩn bị tiếp nhận đội viên mới.Đợt giao quân lần này là khoảng hai trăm thanh niên nam nữ đến từ thị xã Phan Rang-Tháp Chàm.Số quân này được gọi là đại đội Phan Rang. Một tháng sau lại tiếp nhận thêm ba trăm quân nữa từ Đức Linh-Bình Tuy. Khi số quân đã ổn định nên Tỉnh quyết định thành lập  :Tiểu đoàn 1 TNXP/Nông trường 16-4 Thuận Hải, do Tỉnh đoàn Thuận hải quản lý về mặt nhân sự, lương thực,giáo dục tư tưởng.Địa bàn hoạt động trong phạm vi 30 km2,được chia ra thành nhiều đội: Đội 1 nơi đặt BCH tiểu đoàn, Đội 2 bản doanh của Đại Đội Bình Tuy, Đội 3 đại đội Đức Linh, Đội 4 gồm  nhiều địa phương gộp lại Phan Rang, Quảng Sơn...còn Nông trường Bộ bao gồm các cán bộ tập kết từ năm 1954 trở về,phụ trách về kế hoạch, kỹ thuật, vật tư, cơ giới phục vụ cho việc khai hoang, thành lập một nông trường trồng bông vải đầu tiên trong cả nước. Nhiệm vụ đã rõ,khi xe cơ giới vừa khai hoang xong, nhiều khu rừng trở nên trống trải là TNXP tập trung xuống giống bông vải, lên luống,bón phân và chờ thu hoạch.Ngày lao động khẩn trương, tối sinh hoạt học tập, "Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên"" Mưa lớn coi như mưa nhỏ,mưa nhỏ coi như không mưa"" Cái khó ló cái khôn". Mà đúng thật,cho dù đời sống lao động rất vất vả, ăn uống thiếu thốn,bị giam lõng giữa chốn rừng xanh và sông suối chằng chịt, nhưng chúng tôi vẫn tìm cho mình những cách thư giãn đặc biệt.Khi cánh đồng bông vải đã lên xanh,thì chúng tôi được lệnh là trồng xen thêm đậu xanh vào khoảng đất trống giữa các luống bông vải.Đến chiều,sau khi đã gieo hạt xong,số đậu còn lại thay vì phải gánh về doanh trại thì các đội có sáng kiến, đào một lổ lớn rồi úp luôn cả thúng giống xuống và lấp đất lại.Coi như hoàn thành nhiệm vụ, nếu cán bộ có thấy thì nói rằng chôn như vậy giống sẽ mau nảy mầm mà ngày mai , rãnh tay sẽ gánh được nhiều bao giống mới .Cùng với việc gieo giống là rải phân.Cũng theo cách đó, những bao phân ure được cất dấu rải rác trong các lùm bụi ,đêm đến sẽ vượt suối mang ra các làng dân gần đó, bán rẻ lấy tiền tiêu vặt.Cuộc sống cứ  hồn nhiên trôi qua, sau một đêm , bao nhiêu mệt mỏi tan biến và chuẩn bị cho một ngày mới đầy háo hức vô tư.Đúng là tuổi trẻ thật thần kỳ. Nhiều cuộc tình chớm nở rồi tàn, bao nước mắt các cô gái khóc hằng đêm, vì lở dại có bầu  phải trả về địa phương, trai tơ gái trẻ sống gần nhau, cho dù kỷ luật có khắt khe đến đâu cũng không sao phát hiện và ngăn chận được, một khu rừng đầy sông suối,một đêm đen dài lê thê..Những trò đùa dai của những chàng làm biếng khai bệnh, để khỏi vác cuốc ra đồng.Khi cô y tá của nông trường đến để khám bệnh, hắn ta biết không thể đóng kịch được nữa ,bèn trùm mền kín mít, mục đích là để tăng thân nhiệt  , theo lời khuyên của một số quân sư, hắn làm bộ rên ư ử, cô y tá lật mền ra thì bật té ngữa  vì dưới mền là một gã thanh niên trần truồng, hai tay bịt mặt nhưng súng thì chỉa thẳng dứng như một khúc củi.Nhân kể chuyện khám bệnh thì cũng kể luôn chuyện rắn cắn. Năm Mùng, nhân vật ở đầu bài, một hôm bị rắn cắn khi hắn chụp đuôi một con rắn nhỏ đang nằm ở trên cây. Hắn ôm tay chạy về trại la um sùm,một người bạn lớn tuổi có kinh nghiệm xem qua thì biết rằng đây là vết cắn không độc, nhưng lại hù dọa hắn là nếu,sau 24 giờ nếu không chữa trị kịp thì chỉ có chết.Hắn hoảng hốt thực sự, năn nỉ mọi người làm sao cứu hắn với hoặc chỉ cho loại cây rừng gì ,có thể cầm cự được thứ nọc rắn này, vì bệnh viện thì ở Phan Rang cách xa nông trường đến 60 km.Một tay quân sư bèn hiến kế: Ngày xưa ở trong rừng khi bị rắn cắn thì chỉ có cách là dùng thuốc dấu may ra mới khỏi.Hắn hỏi thuốc dấu là cái gì, tay kia bèn nói nhỏ: Thuốc dấu là thò tay xuống bộ hạ bứt một nắm lông của người khác rồi đắp lên là khỏi, hiệu nghiệm hơn là của người khác phái.Nói xong là Năm Mùng ôm tay chạy luôn về phía trại nữ, ít phút sau chợt nghe có tiếng chửi rủa, tiếng hét lên thất thanh của các cô gái đang tháo chạy như ong vở tổ, không xin được thuốc dấu Năm Mùng quay trở lại và được khuyên tiếp là đi về nông trường bộ,có y sĩ và bệnh xá. Chuyện tiếp xãy ra thì mãi tới ngày hôm sau chúng tôi mới biết.
Năm Mùng ôm bàn tay  đau đi bộ về nông trường, hắn nhanh chóng vào ngay phòng trực, cô y tá hỏi tay bị làm sao, không kịp trả lời, hắn tức tốc chụp xuống phía dưới cô gái và nhổ, cô này kinh hồn thét lên, phóng chạy ra ngoài,may sao bảo vệ ở gần đó đã khống chế được hắn và trói lại chờ tiểu đoàn xuống nhận.
  Quân số đã ổn định,tần xuất khai hoang gieo trồng cũng bảo đảm đạt chỉ tiêu.Bây giờ đến lúc phải lo cho vấn đề ổn định tư tưởng,sinh hoạt chính trị,văn nghệ cho hơn 600 TNXP.Tiểu đoàn liền thành lập một ban văn nghệ chuyên phục vụ ca khúc chính trị hằng đêm dưới ánh đèn dầu và một ban báo chí, nhiệm vụ là 6 tháng xuất bản được 1 tờ đặc san, chuyên phản ảnh về gương người tốt việc tốt trong TNXP. Tôi là người may mắn được đưa về ban báo chí đó vì có một chút năng khiếu về vẽ vời . Tổ làm báo, đóng tại nông trường bộ, tách riêng ra khỏi tiểu đoàn.
Ban của chúng tôi gồm có: Lộc C trưởng C4 rút về, phụ trách chủ bút kiêm mua sắm vật tư,Nguyễn Tâm chuyên biên tập tin bài,Tôi phụ trách trình bày ,minh họa  tập san và Phúc quay ronéo.Nguyễn Tâm là người bạn tôi mới quen đến từ Phan Rang, đang học năm thứ nhất đại học ở Đà lạt thì giải phóng,do sức khỏe quá yếu nên thường xuyên trốn vào rừng ngủ,cũng nhờ dịp này nên tôi mới lôi gã vào ban báo chí, từ đó thoát được cảnh ngày ngày vác cuốc ra đồng.Công cụ mà chúng tôi có để in báo thật đơn giản, bàn quay là một khung vải để lăn mực, phía dưới là tờ stencil đã minh họa ,trình bày bài vở.Sau khi đã chuẩn bị xong các khâu để ra tập san đầu tiên, thì Anh Lộc đề nghị rút thêm Phúc Xạ ( vì ở mặt có một cái bớt đen) về phụ quay roneo.Khi đến nông trường,Chúng tôi bảo hắn phải đến trình diện với phòng tổ chức để báo phần ăn. Trưởng phòng là một ông cán bộ già nhưng có một cô nhân viên còn trẻ tên là Lê Loan và chúng tôi chỉ dẫn cho hắn là phải đến gặp cho được chú Lê Loan, thì mới được ăn ở tại nông trường.Khi hắn đến trình diện, chúng tôi theo dõi từ xa và được một trận cười thỏa thích. Cuộc sống ở nông trường như vậy là tạm ổn, ăn uống tại nông trường, gạo được nhận thêm từ liên đội, số gạo dư này được bán ra để uống cà phê. Chúng tôi tạm thời được thoát khỏi cảnh lao động nặng nhọc, ngoài công việc in ấn, trình bày cho đặc san chúng tôi còn làm thêm một số việc khác cho nông trường như in bằng khen, vẻ bản đồ ...Vì vậy mới được yên thân một thời gian. Cái chi phối nhiều nhất là cơn đói buổi sáng, gạo thì bán hết rồi, buổi trưa mới có cơm ăn nên buổi sáng là một cực hình. Sau nầy có một bà già đến ở trên dốc cầu,bán bánh tét ,khoai sắn cho TNXP và đón mua các thứ nhu yếu phẫm như gạo, xăng dầu, quần áo. Và đó là lối thoát cho chúng tôi, từ đổi gạo lấy bánh ăn sáng ,sau nầy quen dần nên được mua thiếu. Bà già nầy bị hư một mắt nên anh em chúng tôi gọi là "Loan mắt nhung" Bây giờ nghĩ lại thấy hơi ác.Cũng vì nhiều lần thiếu nợ ,nên con đường đi qua cầu bị hạn chế, phải lội qua những suối sâu mới vào được nông trường. Chúng tôi đặt tên cho con dốc nguy hiểm đó là " Những khẩu pháo thành Navarôn". Bao nhiêu ngày tháng khó nhọc trôi qua, Những đêm đói lã chờ trời sáng hay lầm lủi trong đêm tối đào trộm khoai mì, bẻ mía chống đói. Bị cái đói  ám ảnh, trong túi lúc nào cũng trống không.Ngày chủ nhật được nghỉ, chúng tôi thỉnh thoảng được những người bạn mời đi uống cà phê, đó là một ngày hạnh phúc nhất.Trong quán vắng ngồi nghe những bản nhạc vàng , mà phải thân quen lắm chủ quán mới mở cho nghe. Có một lần, cũng vào ngày chủ nhật, trên đường ra Sông Mỹ, tôi và người bạn vừa qua khỏi cầu Quãng Ninh,xuống bờ sông rữa mặt, chợt thấy trên bờ sông một bao thư không dán kín, hai đứa tò mò mở ra xem thấy trong đó có một bức thư và ba ngàn đồng lẽ. Mừng quá hai đứa liền đi thẳng vào quán uống cà phê, sau khi xem lại bức thư ,biết là thư của một người đang học tập tại trại Sông Cái,chắc nhờ ông cán bộ ra bưu điện gởi về nhà . Chúng tôi ,sau khi uống cà phê hết hai ngàn ,liền ghé bưu điện, mua tem và bỏ vào thùng thư giùm cho họ.Những người bạn ở các đội sản xuất, thì còn khó khăn hơn chúng tôi rất nhiều, muốn ra khỏi doanh trại phải có giấy phép, phải qua nhiều con đường có chốt bảo vệ, vì tình trạng thanh niên bỏ trốn đơn vị ngày càng nhiều.Một lần xuống suối tắm, tôi nhặt được một cái soong lớn, có lẽ trôi từ trên rừng xuống, bèn treo lên một nhánh cây cao.Và sau này dùng nó để luộc gà. Hồi đó, kế bên bếp tập thể có nuôi một chuồng gà lớn ,độ vài trăm con,lúc nào muốn ăn chúng tôi phải xin nhà bếp một ít muối ,rồi ôm thêm một cái mền đi xuống suối, nếu có ai thấy thì cũng nghĩ là chúng tôi mang mền xuống suối giặt. Khi đến phía sau chuồng gà ,liền thả một nhúm cơm phía ngoài , gà nuôi chuồng nên khi thấy cơm là thò đầu qua khe gỗ, thế là bẻ cổ, không kịp kêu một tiếng. Con gà được bọc vào trong cái mền. Xuống suối ,đi vào sâu  trong rừng, leo lên cây thả nồi xuống và nấu nước nhổ lông làm thịt.Khi cơ sở này đã ổn định, chúng tôi rủ mấy người bạn ở các đội xa, vào ngày chủ nhật về chổ chúng tôi để chiêu đãi hay còn gọi là bồi dưỡng thịt gà.Sau này phổ biến cách này cho anh em trong tổ, có tay còn táo tợn hơn, bắt gà rồi vào giường thả mùng xuống,làm thịt luôn. Cây kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra ,đó là lần bị bảo vệ nông trường phát hiện, do khi luộc gà xong, thay vì đổ nước lên cát, mấy tay này cứ đổ xuống suối mà khúc suối này rất sâu nên nước chảy chậm, váng mỡ nổi đầy trên mặt nước, chảy ngang qua bến tắm của nông trường, có người phát hiện nên cùng bảo vệ  ngược nguồn nước đi tìm và kết quả là chộp được hai em đang ngồm ngoàm thịt gà. Ở nông trường ngày vui nhất là ngày đại hội CNVC, mặc dù chúng tôi là TNXP nhưng cũng được cho dự liên hoan, quanh năm đói kém thì vào ngày đó được một bữa no , nông trường mổ bò  chiêu đãi, từ đêm hôm trước rậm rịt chuẩn bị y như ngày tết, chúng tôi cũng lăng xăng phụ giúp, mài dao, lấy nước, mục đích là thừa lúc nào đó thuận tiện, chôm  một ít thịt đem về luộc chín ,để dành cho những ngày hôm sau. Sau màn đại hội là tới liên hoan ăn uống, các lão cán bộ rượu vào lời ra, chuyện bức xúc không thể nói được giờ mới bung ra thoải mái. Chúng tôi sau khi ăn xong về phòng , chợt nghe bên vách tiếng thì thào nói nhỏ, vén vách lá nhìn sang ,thì thấy hai cô công nhân văn phòng đang dấu vào gầm giường một nồi thịt và hai chai bia. Đợi cho hai người đó khép cửa ra ngoài, chúng tôi cử một tay Phúc xạ, phanh lá buông ngăn vách ,chui qua lấy hai chai bia và nồi thịt về. Thịt thì chúng tôi ăn một ít vì sợ bị phát hiện, còn bia thì uống hết, sau đó lấy nước trà đổ vào và đóng nắp lại, đặt y chổ cũ. Đêm đó chúng tôi được một trận cười vở bụng khi nghe những lời càm ràm ,nào là bia  gì mà nhạt như nước trà, thịt sao còn ít quá, chắc có đứa nào ăn lén trước.
  Thời gian này tôi được cử về phụ việc cho phòng nông nghiệp, nhiệm vụ là tô màu cho các bản đồ thổ nhưỡng ,trong kế hoạch trồng bông vải của nông trường. Trưởng phòng là một kỹ sư quê Hà Tĩnh, người thấp đậm, tóc quăn, trán hói, rất năng nổ trong công việc với quyết tâm là phấn đấu bằng mọi cách  để vào Đảng.Tay này cũng là  bí thư chi đoàn.Một đêm, đang ngon giấc, tôi bị lão đánh thức dậy và nói: Mi cầm đèn pin đi theo tao bắt tụi hủ hóa. Đến bên bờ suối, mắt căng lên phía trước , có tiếng rì rầm của một đôi trai gái đang nói chuyện, chợt tôi nghe một tiếng hét chói tai : Chết  cha tui rồi ! Đui mắt  rồi ! thì ra, do căng thẳng vì đi rình trộm, mắt gã bị một cây gai đâm thẳng vào, may mà chưa trúng con ngươi.Còn cặp tình nhân kia, cũng hết hồn, nhảy ùm xuống suối. Dù cố gắng làm việc hết mình,nhưng lão kỹ sư nông nghiệp này vẫn không được lòng của ông bí thư Nông Trường. Có lần, tôi nhìn thấy lão ràn rụa nước mắt, khúm núm đến tội nghiệp trong phòng bí thư đảng ủy.Hơn 10 năm sau, trong một lần về thăm lại nông trường cũ, tôi lại biết thêm về số phận khá bi đát của ông kỹ sư này, không hiểu vì sao từ một ông kỹ sư có bằng cấp hẳn hoi lại trở thành một kẻ ăn xin, chân bị tàn tật, sau này phải  nhờ một người quen, xin cho một vé đi kinh tế mới vùng Nhị Hà.
  Ba năm trôi qua, biết bao sức trẻ của thanh niên đã đổ  xuống dất đai để trồng bông vải và đào kinh thủy lợi. Nông trường đã làm hết kế hoạch năm thứ ba, mà kinh tế vẫn chẳng thay đổi gì.Nhiều cánh rừng nguyên sinh đã xóa sạch, đất đai càng bị xói mòn và khô cứng.Nói chung là mất nhiều hơn được. Lớp TNXP đã hoàn thành nhiệm vụ sau ba năm lên nông trường lao động. Vấn đề là giải quyết chính sách cho những đối tượng này như thế nào cho thỏa đáng.
    Bàn đi tính lại, số thanh niên nào, muốn về địa phương thì  về, người nào xin vào công nhân thì nông trường  nhận.  Còn lại, tùy nghi ứng biến.
    25 năm sau, nhân ngày họp mặt cựu TNXP nông trường 16-4 tỉnh Thuận Hải.Tất cả bùi ngùi nhớ lại một thời tuổi trẻ đã qua, số được vào làm cơ quan nhà nước , chỉ đếm trên đầu ngón tay.Số đông còn lại, lao động tự do, tự túc mưu sinh, bươn chải kiếm sống. Đến thời điểm đó, chưa có một chế độ chính sách nào cho lớp TNXP này cả.  25 năm gặp lại,nhiều mái đầu đã bạc, nhiều con người đã ra đi vào cỏi vĩnh hằng...

                                               TRỞ LẠI DÒNG SÔNG XƯA

                  Kính tặng các đồng đội TNXP thuộc Liên đội I- Nông trường 16-4
                   Nhân kỷ niệm 25 năm thành lập lực lượng TNXP Tỉnh Thuận Hải.

                                   Bài : Phạm thị Nguyệt Cầm- Y tá nông trường.


  25 năm trước, bên dòng sông Cái  hoang vu này, đã từng chứng kiến hàng ngàn con người tuổi trẻ, đầy nhiệt huyết. Đi lên nông trường 16-4, với ước mơ biến đất đá thành lúa gạo, biến rừng hoang thành bông vải, để giải quyết những khó khăn do chiến tranh mang lại, trên quê hương Thuận Hải.
 Và 25 năm sau, những người lính TNXP năm đó lại hành hương trở về cội nguồn, bên dòng sông xanh của nông trường xưa,như những người Ấn giáo thành tín , hành hương trở về cuội nguồn, tắm gội bên dòng sông Hằng linh thiêng.
  Nơi đó, từng chứng kiến nhiều con người với bao số phận và nhiều cuộc tình đã đi qua.  Họ đến bên giòng sông với cảm xúc dâng trào và soi rọi bóng mình , như muốn tìm lại quá khứ tươi đẹp và hào hùng của một thời tuổi trẻ. Cảm ơn dòng sông đã nâng niu và tắm gội một quá khứ đầy nhọc nhằn.
  Có những người, từng là bạn thân của nhau, nhưng khi đối diện vẫn không thể nhận ra bởi thời gian đã xóa dần đi những ký ức, những hình dáng thân quen ngày nào, có những người chỉ thốt lên được mỗi tiếng " Anh, chị.." Rồi nghẹn ngào để mặc nước mắt tuôn trào, lại có người thảng thốt : " Anh đi tìm em mãi, mà không biết em ở nơi nao ! "
  Tôi đứng chơi  vơi giữa nông trường mà cảm giác như có sóng vây quanh mình. Sóng dạt dào xô đẩy, sóng trong lòng, sóng bốn bề với tình cảm đồng đội, đồng chí.
  Nông trường đó, bây giờ không còn sót lại một dấu tích nào, cây cầu sắt năm xưa,giờ đã bê tông hóa. Con đường đất bụi xuyên rừng già, đã trải nhựa,tiến sâu vào một vùng tài nguyên trù phú, huyện núi Bác Ái.
  Thế hệ 25 năm trước, đã hoàn thành nhiệm vụ của họ một cách tự hào. Và giờ đây, trong đêm lửa trại, lại cất vang tiếng hát đồng đội : "... giữa đêm giá rét là một ngọn lửa hồng, giữa trưa nắng cháy là một dòng suối trong, giữa buồn vui là đôi chân bước tới. Đồng đội, đồng đội ơi, đường đời còn xuôi ngược, bước chân băng ngàn còn rộn ràng trong tôi."
  Người ta tưởng như tuổi trẻ đang trở lại với họ, tưởng như đêm lửa trại này, họ còn mãi bên nhau, mặc dù có chàng trai năm nào bây giờ tóc đã bạc, nhưng vẫn ca hát nhảy múa như muốn tìm lại, một quá khứ hào hùng.
 Trên chuyến xe buýt trở lại nông trường, anh " Cư xe tăng" một TNXP tóc bạc, râu dài đến ngực, cứ đi từ đầu cho đến cuối xe, thì thầm hát những bài ca của TNXP, hát rất nhỏ như hát cho chính mình nghe, rồi nhìn vào từng khuôn mặt, nhìn trân trối như sợ rằng không bao giờ có cơ hội gặp lại. Lòng tôi chạnh nhớ , những đồng đội cũ đã ra đi mãi mãi, có người vì cứu bạn trong dòng nước lũ, có người ngã gục vì sốt rét rừng. Và nhiều số phận, nhiều hoàn cảnh bất hạnh khác mà họ không thể có mặt trong lần gặp này.
  Tôi đặt tay xuống mặt đất của nông trường, như để cảm nhận được hơi thở thân quen và tôi bật khóc...
Dòng sông vẫn lững lờ trôi như bao đời nay vẫn thế, có chăng, chỉ những hòn cuội tròn lẵn dưới nước, những rong  xanh mượt mà, những chiếc lá khô xen lẫn những bông hoa rừng, trôi lặng lẽ. Nhìn lại rừng dầu đang thay lá trong mùa tháng 5 khô cháy, chợt nhớ đến trưa nào cùng đồng đội băng rừng.
 Hằng trăm người lính cũ về lại nông trường, khi gặp lại dòng sông, tất cả mọi người đều men theo triền dốc và lội xuống làn nước, như có một sức mạnh tâm linh nào, không thể cưởng lại.Người thì nhào lộn, lặn ngụp, người thì để nguyên quần áo, lặng lẽ trườn mình xuống, như tìm lại sự dịu dàng trong vòng tay của mẹ hiền. Vẫn như ngày nào không xa, tiếng cười đùa tinh nghịch, tiếng í ới gọi nhau, tiếng xuýt xoa của một ai đó bị trượt chân trên đá... Ôi, những giây phút quý giá đẹp đẽ biết bao, nỗi thương yêu đến nghẹn cả lòng.Không ai muốn lên bờ, không ai muốn rời bỏ dòng sông, không ai muốn mất đi những giây phút thiêng liêng đó.
  Tôi úp mặt xuống dòng sông và để nước mắt loang trong làn nước. Tuổi trẻ chúng tôi đã ra đi và chúng tôi cũng ra đi. Dòng sông cô đơn như vẫn trông chờ những người con năm xưa trở lại.
 Nhìn những chiếc nón tai bèo, với huy hiệu TNXP trên đầu những khuôn mặt già nua. Tôi ngậm ngùi thầm nghĩ : mỗi người trong họ, khi trở lại với công việc hằng ngày sẽ nhìn lại chiếc nón màu xanh này, như nhìn lại một quá khứ tuổi trẻ vàng son, mà mình đã cống hiến tuổi xanh cho quê hương. Nó chính là sợi dây liên kết giữa quá khứ và hiện tại, giữa cá nhân và đồng đội và hơn nữa, nó chính là phần thưởng cao quí và duy nhất của những năm tháng làm thanh niên xung phong.


    

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Truyện : Thỏ con không vâng lời. Thơ : Soi gương.

Truyện Cây khế ( Ăn khế trả vàng )

Tranh mầm non : Sự tích cây vú sữa - Truyện : Một bó hoa tươi thắm.