TÌM ĐẸP 1

TÌM ĐẸP - 1 - ĐOÀN THÊM


 Ở các nước tiên tiến, giới nghệ thuật mỗi ngày một đông và gồm nhiều hạng người :
-Hạng hoạt động để sáng tác: Nhạc sĩ, họa sĩ, nói chung là nghệ sĩ.
-Hạng huấn luyện hoặc chỉ dẫn để sáng tác : Các giáo sư mỹ thuật.
-Hạng nghiên cứu sự tiến triển và phát huy nghệ thuật, phân chia các ngành các phái, nhận xét các nguyên nhân, phương hướng. Tóm lại viết sử về nghệ thuật ( Histoiriens d'art).
-Hạng chuyên chú về kỹ thuật , đường lối thực hiện và đặc tính của tác phẫm, so sánh và cân nhắc giá trị : Các nhà phê bình nghệ thuật ( critiques d'art).
-Hạng đứng về phương diện triết lý, theo những phương pháp thăm dò của nhà tâm lý học mà khám phá bí quyết cấu tạo, cố tìm tiêu chuẫn định nghĩa cái đẹp, hoặc xác định những quan điểm về nghệ thuật : Các nhà mỹ học ( esthéticiens).
-Hạng nhà văn, nhà báo, hoặc giáo sư viết để phổ biến cho đại chúng những thưởng thức về nghệ thuật mà đa số vì hoàn cảnh hay trình độ học vấn không thể tự mình thâu lượm ( vulgarisateurs).
-Hạng tích trữ nghệ thuật cổ hay kim, vì sở thích riêng hoặc mục đích doanh lợi, để chơi hay bán lại ( collectionneurs d'art, antiquaires, courtiers, marchands).
-Hạng thưởng thức mua hoặc không có tiền mua tác phẩm, nhưng hiểu biết và yêu quí nghệ thuật ( Amateur d'art).
  Mỗi hạng người đó góp phần tài hoa, nổ lực và thiện chí, nên nghệ thuật mới tiến mạnh ở các xã hội Âu Mỹ. Khi nói về văn chương hóa (culture) hoặc khen ai có kiến thức ( cultivé) người phương tây yên trí rằng kiến văn đó bao gồm cả sự huấn luyện hay am hiểu về hội họa, kịch, điêu khắc... Nhà khoa học Einstein rất ưa nhạc, chính khách Churchill biết vẽ.
  Cách đây khá lâu, nhân dịp đọc sách nghệ thuật, tôi nhận ra mình chẳng thuộc hạng nào kể trên, mặc dù có phương tiện học hỏi: không sáng tác không nghiên cứu, cũng không nghĩ đến thưởng thức. Nhưng giá thử bạn nào chê tôi thiếu hiểu biết, rất có thể lòng tự ái của tôi nổi dậy, và thân cũng hóa sơ. Dù sao, vấn đề cần giải đáp là tại sao tôi quá thờ ơ ?
  Khi học sữ ở trường, tôi phải thuộc vanh vách từng ngày tháng năm chiến trận..song đến mục nghệ thuật thế kỷ này hay thế kỷ khác, và nhiều bạn và tôi thấy tẻ nhắt, bỏ qua, mong rằng thi đừng bị hỏi về những lenôtre hay Coysevox. Bởi vậy, tôi biết Nã Phá Luân I thắng trận Austerlitz ngày 5.12.1805, nhưng không hay rằng ở thời đó có họa sĩ David và họa phẫm Le serment des Horaces. Chém giết thì tôi nhớ, làm đẹp cho đời thì bị tôi quên, và tất cả công cuộc sáng tạo kiền thiết từ cổ không được tôi chú trọng bằng sự gian trá của Birmark
hoặc tàn bạo của Thành Cát Tư Hãn. Bạn X giễu tôi : may ra anh sẽ thành học giả. Nhưng rồi tôi thấy chưa học thật, và ngay ý niệm về kiến văn học thức của mình cũng cần được xét lại.
  Tôi đã lâu ngày dững dưng vì thành kiến. Không nhớ ai đã in sâu vào đầu óc tôi rằng, nghệ thuật chỉ là một thứ xa xỉ dành cho thiểu số dư tiền và thời giờ. Song nhiều người đói rách mà vẫn mãi miết để thành những danh họa như Manet hay Modigliani. Người nghèo cũng biết mua những bức tranh sau này nổi tiếng như : Soulier hay Zborovski. Sự thưởng thức chẳng phải độc quyền của giới nào hết , và các viện bảo tàng chẳng cấm ai vào, cũng như những phong cảnh thiên nhiên chứa chất sự đẹp.
  Nhưng tôi đã trót học nhiều bằng ký ức, rất ít bằng giác quan thuộc lòng ở lớp dưới, góp nhặt chắp nối các điều nhớ được mà tập lý luận ở cấp trên, chẳng mấy dịp quan sát trực tiếp, nhìn , nghe mà rung động : như vậy thì quen biết và ưa thích nghệ thuật làm sao ? Từ năm 15 tuổi, tôi đã biết cây tre thuộc giống " hòa bản
Graminacées" nhưng mãi năm 20 tuổi, lần đầu tiên mới buồn vì thấy bụi trúc bên vườn nẩy hoa để báo trước những ngày tàn tạ.
  Tôi đi học vì chỉ quí chữ nghĩa, thích thơ và coi rẽ tranh, trọng thầy dạy văn, khinh thầy dạy vẽ. Ông kiến trúc sư họa kiểu chẳng qua như ông thầu khoán xây nhà ? Ai đã giảng cho tôi rõ : nhạc đi đôi với lể, và lể nhạc là phương châm của thánh hiền để dắt con người tới nhân nghĩa ? Nhưng đồng thời ai đã truyền khẩu cho tôi rằng xướng ca vô loài ? Racine nổi tiếng là một kịch gia đại tài, nhưng tôi chỉ được xét tác phẫm của ông về phương diện văn chương, chớ đâu có dịp xem trình diễn những tấn tuồng Andromaque hay Iphigénie, để tự mình nhận chân giá trị của sân khấu ?
  Tin ở tiến bộ loài người và mong ước chính mình mỗi ngày một hơn trước, tôi vẫn biết sự cải thiện buộc chúng ta luôn luôn xét lại những quan điểm cũ, những truyền thống chật hẹp, và nếu cần thì đổi thay cả cái nhìn nhận và hướng cảm xúc quen thuộc. Nhưng lại quên rằng về phương diện này, còn gì hiệu nghiệm hơn là theo đuổi hoặc theo dõi nghệ thuật ? Trước và sau khi hiểu nhạc hay họa, chắc chắn các phản ứng của tâm hồn cá nhân phải khác và khác nhiều hơn là khi đọc sách : vì những âm thanh hình sắc ảnh hưởng thẳng và thâm nhập tiềm thức chớ không như chử nghĩa khô khan phải chờ sự gạn lọc qua lý trí lạnh lùng.
  Tôi thường nghe nhắc đi nhắc lại trăm lần rằng, chúng ta sống ở thời đại khoa học, và khoa học đã biến cải cả mặt địa cầu cùng cuộc nhân sinh. Nhưng trái đất và loài người đã mấy vạn tuổi, khoa học mới nẩy nở vài trăm năm nay ; trước khi đó, cái gì đã đưa con người từ thời ăn lông ở lỗ đến lâu đài Hy lạp, cung đình Venise hay Versailles và các kinh thành hoa lệ ở Ấn độ, Trung hoa, Nhật bản.. Trước thế kỷ  18-19, văn minh hiện ra những gì ?, nếu không phải một phần lớn ở Kim tự tháp ở Ai cập, tranh thời Tống hay Phục hưng,  tượng cũa Michelange hay điệu đàn của Bach, bình sứ Giang tây, tấm thảm Ả rập hay vần thơ, chuổi ngọc, giọng hát ? Tóm lại đời sống đã yên lành tươi tốt hơn, nhờ các nghệ sĩ ít nhất mấy ngàn năm nay, mà chưa thấy nghệ thuật phá hoại tan tành như khoa học ở nhiều trường hợp. Cho đến khi khoa học trưởng thành, thì lại cậy nghệ thuật tô điểm cho mỗi đồ sáng chế ngày một dễ coi hơn, từ vành xe đạp, mui xe hơi, đến kiểu máy lạnh, máy khâu, máy bay, tàu biển...và chính các kỷ sư cũng đang cố gắng tìm đẹp ( esthétique industrielle). Mặc dù vai trò vô cùng quan trọng của nghệ thuật trong cuộc tiến hóa chung và cải thiện riêng, tôi bỏ phí bao năm không chịu xem xét, và ngụy biện để tự bào chữa.
  Thiếu dịp học hỏi về nghệ thuật, ít ra tôi cũng biết thưởng thức thiên nhiên, khi những vẽ đẹp ở tạo vật sẳn sàng dễ thấy, hà tất tốn công tìm tòi ở lãnh vực trí xảo nhân tạo ?
  Vã chăng, từ thuở nhỏ, con người đã biết nghe hát véo von, mặc áo đẹp ngày hội, ưa vị ngon, thích mặt trăng tròn, phân biệt hương thơm và mùi nặng, rồi càng lớn càng thông thạo, chẳng ai dạy cũng ưa ngắm hoặc say nhan sắc, sự mê đẹp hung hăng đến nổi luân lý phải kìm hãm bớt...Nói một cách khác, không cần luyện tập cũng vẫn thâu nhận được mỹ cảm.
  Nhưng ỷ vào cảm giác riêng, chắc đâu tôi đã tự mình tìm ra được mọi vẽ đẹp? Một hôm coi một bức ảnh của một người bạn chụp, tôi mới sực tỉnh : quả là bạn đã bắt chộp được những bóng dáng mới lạ trên luồng sóng cát bên sông, tôi đã từng qua lại nhiều phen mà chẳng thấy. Khác nào bạn đã giúp tôi ghi nhận những vẽ đẹp mà tôi cùng bao người khác chưa khám phá được : đó là công của bạn, cũng như của nghệ sĩ ngành khác, hay là một tác dụng của nghệ thuật nói chung. Tôi liên tưởng đến họa sĩ thay chúng ta mà dung hòa màu sắc, đến nhạc sĩ thay chúng ta mà kết hợp âm thanh, đến thi sĩ thay chúng ta mà diễn tả những cảnh tình diễm ảo.. Họ sáng tác cho họ, nhưng đồng thời cũng ngắm hộ, nói lên hộ khi ta thiếu khả năng, phương tiện hay cơ hội. Vậy tôi nên tiếp nhận sự giúp đở đó, và chỉ việc thông cảm với họ.
  Với tâm trạng kẻ lười, tôi đã từ thiên nhiên hay thực tế lân la vào các phạm vi nghệ thuật, và hưởng sẳn những vẽ đẹp do nhiều nghệ sĩ tìm ra một cách tài tình.
  Song tài tình không có nghĩa là dễ dàng, bởi sự đẹp qua mỗi tâm hồn nghệ sĩ thường bị sắp đặt biến đổi ít hay nhiều, theo tính khí hay ý tưởng cá nhân, rồi mới được đưa ra cống hiến cho đời. Tác phẫm càng giàu cá tính càng xa thông thường, nên có thể không phù hợp ngay với cảnh và tình của tôi mà rung chuyễn tức khắc. Đứng trước những công trình độc đáo, lắm khi tôi còn phải nghĩ, mới hiểu rồi ưa. Chứ nếu dễ ưa nhìn thì dễ chán : nhiều bản nhạc cổ điển, thoạt nghe chỉ thấy váng đầu, khó chịu, trái lại nhiều bài ca tiệm nhảy mới hát thích liền, song nếu tôi kiên tâm chờ đợi thấm dần, thì quả thiệt trầm bổng của Mozart đánh bạt hẳn những du dương của Vincent Scotto; cũng như đã hiểu Cézanne thì không thiết tha lắm nữa với ánh sáng ấn tượng, cảm được mong lung của Mallarmé thì ngán nhiều vang động của Hugo.
  Những phản ứng đổi thay trước các vẽ đẹp lại khiến tôi ngờ vực chính mình, tôi cần cọ sát với  những người phiêu lưu vào nghệ thuật trước hay sau tôi. Dĩ nhiên tôi sẳn lòng tin Hegel, Baudelaine hay Alain hơn các bạn học của tôi, nên bàn với các bạn ít hơn là hỏi các nhà bác học. Thực ra, tôi chẳng muốn tốn công, đối với các vị thường " kính nhi viễn chi " song tới những giờ phút băn khoăn, không quay về các vị thì không biết trưng cầu ý kiến của ai ? Kể thì các nhà nghiên cứu đã nhận xét hộ và chỉ dẫn cho khá nhiều; không đọc Malraux, chắc tôi chưa hiểu bức " đi tuần đêm-la ronde de nuit" của Rembrandt. Cũng lắm khi tôi dè dặt ngờ vực, dù sao sự tham khảo có một ích lợi rõ rệt: các học giả chuyên phê bình nêu ra được giá trị cao quý của nghệ thuật, và khó hơn nữa, là những khía cạnh đáng yêu thích hay đáng chú trọng ở những khu vực mà đa số thường chỉ thấy khô khan, tẻ ngắt: những kiến trúc cổ lổ, những sáng tác thô sơ quái dị của các bộ lạc chậm tiến, những chế tạo tầm thường như đồ nấu bếp ( thuộc arts ménagers )
  Như vậy, tìm đẹp thì cần đi xa, nhưng đã muốn nhiều thú vị,tôi ngại ngần chi mỏi bước lang thang, và có đưa chân vào các ngả quanh co vắng vẻ mới hay gặp những cảm hứng không ngờ. Song trước khi buông mình theo gió, nghỉ đến bước đường cùng nơi công chúng tấp nập, vì nếu nhiều người muốn chịu đến, chắc nhiều cảnh để coi, để cùng chia xẻ buồn vui và nhận xem chính mình ưa ghét những gì, rồi liệu chọn những nước non thích hợp, tìm đường riêng dẫn tới thiên thai. Cửa trời nghệ thuật chẳng đóng ngăn ai, và qua đó, có những vì sao không tắt, những bông hoa không héo từ thời phục hưng, đến Acropole đem đơn thuần và hòa hợp chống lại thời gian : tượng nàng Venus, vạn lý trường thành, cơn giông cũng cuồn cuộn màu sắc của Vlamick, những thân hình lộng lẫy thoát thai từ ngọc đá, và mấy ngàn năm cười khóc rung lên thành nhạc...Ở đó, rực rở là đẹp của bạn, mộc mạc êm đềm là đẹp của anh, còn của tôi thì.. một mình tôi biết, một mình tôi hay. Nhưng thôi tôi cũng muốn ngược đường trở về thực tế, và kiểm điểm lại xem có bao nhiêu ngõ đi vào nghệ thuật, đúng hơn có những ngành hoạt động nào được coi là nghệ thuật ?
  Đối với người Hy lạp thượng cổ, có 9 nghệ thuật, mỗi ngành có một nữ thánh sư :
Theo thần thoại Hy lạp, vị chúa tể thiên đình Olympe là Zupiter hay Zeus, dang díu với nàng Mnémoxyne, nữ thần của trí nhớ. Sinh ra 9 tiên nữ, mỗi nàng có một phép lạ, tức là một nghệ thuật và phù trì cho những nghệ sĩ trong ngành, thành ra nữ thánh sư của ngành đó ( muse) :
- Calliope    :      Nữ thánh sư ngành hùng biện và hùng ca.
-  Clio         :                               -                         Sử ký.
-  Erato       :                               -        Thơ trữ tình êm ái.
-  Euterne    :                               -                         Nhạc .
-  Melpomène                             -                      Bi kịch  .
-  Polymnie  :                               -                Thơ từ tình .
-  Thalie       :                               - Hài kịch và thơ xuân tình mộng cảnh.
-  Terpsichore :                            -                      Ca vũ .
-  Uranie      :                               -       Thiên văn và địa lý.

Calliope

Clio

Melpomène

Euterne

Polymnie

Thalie

 Terpsichore

 Erato

Uranie


Sự phân chia đó lộn xộn và không hợp tình hợp lý. Sử ký, địa lý, thiên văn, từ mấy thế kỷ nay đã thành khoa học, hài kịch cần được xếp vào một ngành kịch cũng như các thứ thơ cũng thuộc vào một ngành thi. Hùng biện thì chẳng ai cho là một bộ môn riêng biệt nữa, họa chăng được coi như một loại văn mà thôi : Nếu không thì tất cả các trạng sư, mục sư, nghị sĩ đều thành nghệ sĩ cả ? Sắp đặt lại như thế, thì chỉ có Thi, Ca, Vũ, Nhạc, Kịch. Chỉ ngại thiếu chổ cho : Điêu khắc, Hội họa, kiến trúc, vì nếu hội họa của người Hy lạp không kịp phát triển, thì tượng và đền đài của họ đã làm kiểu mẫu cho cả phương Tây sau này, sao chẳng được thừa nhận là cao quý thiêng liêng để có thể tượng trưng bằng một nữ thần ?
  Sự bất công ấy đã được đời sau đền bù. Ở phương Tây từ lâu lắm Họa, Tượng, kiến trúc đã được ưa chuộng như Thi, ca nhạc, vũ . Rồi mỗi thời lại nãy sinh ra một ngành khác, hể được nhiều kiệt tác và được nhiều nghệ sĩ phụng sự thì được các giới trí thức thừa nhận là một nghệ thuật mới :  như điện ảnh và một số người đương đòi vinh hạnh kia cho vô tuyến truyền thanh, và cả truyền hình.
  Song thừa nhận không phải là sự đương nhiên; nhiều khi dư luận còn phân vân; trong trường hợp nghề nấu ăn (gastronomie). Hiện nay có những viện hàn lâm hay đúng hơn là ẩm thực hội của tư nhân lập ra, dĩ nhiên với những vị uyên thâm về thịt cá và chuyên môn nếm ngửi, ngoài ra không thiếu gì sách báo nghiên cứu một cách tinh tuờng trịnh trọng những phương pháp xào nấu ở ngành này có thể làm đau dạ dày, thì không cho thương nhớ buồn vui và không kích động những nỗi tâm tình sâu xa cao mạnh như thơ hay nhạc. Nhà Mỹ học
Nédocelle còn viện lẽ nữa để bác bỏ  nghề nấu ăn và cả nghề chế dầu thơm : nghệ thuật phải trường cữu, nhưng nếu pho tượng hay bức tranh tồn tại, thì thức ăn tan ngay trong miệng, hương ngát chỉ qua chốc lát mà thôi. Nhà học giả Charles  Lalo còn tìm ra một nghệ thuật nữa, nghệ thuật yêu đương ( L'art d'aimer). Ông xếp nghệ thuật yêu đương vào hàng thứ 7, sau thơ hàng thứ 6. Có lẽ ngành này gồm " 7 nghề và 8 chử " của Tú bà chăng ? Hoặc Lalo tiên sinh chịu ảnh hưởng của thi mha6n Latin Ovide, người ta đã thường dùng những chử kể trên cuốn sách nói mọi cách chìu lòng người đẹp ? hoặc ông lạm dụng chữ Arts , muốn bóng gió hay chỉ sự khéo léo, người ta thường nói nghệ thuật thành công ( l'art de réussir), nghệ thuật làm ông ( l'art d'être de grand père của Victor Hugo ). Giả thử yêu đương là một nghệ thuật như hội họa, thì cũng khó lòng thấy những vị dám tự xưng là " Nghệ sĩ yêu đương " vì sự hành nghề nguy hiểm lắm.
  Thể thao cũng được một số người tôn làm nghệ thuật nhưng đa số chưa chịu . Ngay đến Múa, mà các triết gia Hegel và Schopenhauer cũng không chấp nhận, vì người múa vận dụng thân thể nhiều hơn tinh thần. Nhưng thiết nghỉ nên xem xét từng môn : điền kinh nhịp nhàng theo lối Orcherstique thời cổ, hoặc những lối thế vận jeux olympiques, múa gươm võ Bạch Liên hay Thiếu lâm, đều phơi bày được những vẽ đẹp uyển chuyễn hay hùng tráng; trái lại mấy ông mập mạp ôm nhau vật lộn bẻ chân vặn cổ, không cho thấy gì ngoạn mục.  Muốn để định nghĩa vấn đề nghệ thuật, các học giả hay theo cách xếp loại và chia ra :
- Các nghệ thuật chính yếu từ lâu đã trưởng thành (Art majeurs) như Thơ, điêu khắc, hội họa, kiến trúc, kịch, nhạc...
- Các nghệ thuật phụ thuộc hoặc vị thành ( Art mineurs) như : Đồ mộc, đồ sứ, nhiếp ảnh...
   Song sự phân biệt đó, căn cứ vào giá trị ước định, chỉ có tính cách tương đối, và đôi khi không phù hợp với sự tiến triển một nghệ thuật có thể thịnh rồi suy và ngược lại. Điện ảnh sinh sau, nhưng về phương diện trình diễn, lắm khi nhiều khả năng hơn kịch tuồng; các tượng đá, tượng đồng bao lâu chỉ là phụ tùng tô điểm vườn tược, phần mộ hay dinh thự, đã thoát ly kiến trúc và nảy nở không kém gì hội họa . Trong thực tế, số phận một nghệ thuật tùy tài năng và nổ lực của những người phụng sự chớ không nhở một giá trị nội tại nào, trừu tượng và bất biến.
  Lại có nhiều nhà nghiên cứu chia nghệ thuật ra 2 ngành lớn theo 2 lãnh vực :
- Những nghệ thuật thời gian ( arts du temps) : Thơ, ca, vũ, nhạc.
- Những nghệ thuật không gian ( arts de l'espace) hoặc Nt tạo hình ( arts plastiques) gồm có :
   a- Hội họa, điêu khắc, kiến trúc.
   b- Các nghệ thuật trang trí ( arts décoratifs) :
        - Vẽ tranh kính thánh đường ( Vitrail)
        - Ghép tranh bằng đá màu ( Mosaique)
        - Đồ gốm, sứ sành ( Céramique)
        - Trướng, thêu, thảm ( Tapis, serie)
        - Đồ vàng bạc ( Orfèverie)
        - Đồ sắt, uốn tiện ( Ferronnerie)
        - Đồ mộc ( Ebénisterie, meubles)
        - Y phục ( Costume)
        - Đồ thêu ( Broderie, dentelle)
        - Vườn tược ( Jardin)...
Xét theo các tính chất, người ta còn gọi những nghề kể trên là mỹ nghệ thực hành ( arts appliqués) vì cần áp dụng một kỹ thuật chế biến có ít nhiều tính chất khoa học, hoặc dùng cả cơ khí nhỏ. Đứng về phương diện này có thể chia ra :
   - Các nghệ thuật lửa ( art du feu) như đồ gốm, thủy tinh, kính thánh đường...
   - Các nghệ thuật gỗ ( art du bois) đồ mộc, đồ sơn, đồ dệt..
   - Các nghệ thuật kim khí ( art du métal) như huy chương, đồ sắt uốn...
Sự phân biệt kể trên cũng bị công kích : vẽ trên vải ngang dọc, xây nhà trên đất, đóng đồ đạc phải đủ chiều dài rộng.. Nói tóm lại là cần không gian. Nhìn một thoáng thấy cả chiếc bình, nhưng ngâm thơ là phải đọc dần từ đầu đến cuối, diễn kịch tốn vài giờ : nghệ thuật đòi hỏi thời gian.
   Song họa sĩ cũng phải đưa bút từ chổ này sang chổ khác, khán giả đưa mắt từ điểm này đến điểm kia : người vẽ hay kẻ ngắm đều mất thời giờ, sao gọi là nghệ thuật không gian ? Ngược lại bài thơ cũng in hoặc viết trên giấy rộng hẹp, ngắn dài như màu sắc trên tranh, người múa cần sàn phẳng nhẳn,  mỗi cử chỉ co vào dãn ra nếu không ở không gian thì ở đâu ? sao bảo là nghệ thuật thời gian ?
  Hễ một học giả lập luận, là một vị khác phản đối, cứ cải nhau hoài trong khi họa sĩ cắm cúi vẽ, nhạc sĩ ngất ngưỡng đàn, thi sĩ rung đùi, và giả thử hỏi ông Tú Xương là nghệ sĩ không gian hay thời gian, chắc chắn được một bài nên thân. Nhưng vì chữ đã dùng quen ở nhiều sách báo, nên đành tạm theo cho tiện; miễn sao nhận được đặc tính và tìm được thú vị ở mỗi nghệ thuật.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Truyện Cây khế ( Ăn khế trả vàng )

Truyện : Thỏ con không vâng lời. Thơ : Soi gương.

Tranh mầm non : Sự tích cây vú sữa - Truyện : Một bó hoa tươi thắm.