Sách hay : TÌM ĐẸP 1 - Đoàn Thêm

TÌM ĐẸP- Đoàn Thêm - 2.

CÁC PHƯƠNG THỨC MỸ NGHỆ.

  Để thực hiện một mỹ thức Motif ( chữ Motif theo từ điển Đào Đăng Vỹ là kiểu vẻ, theo từ điển Đào Duy Anh là kiểu trang sức, song như vậy không rõ ràng, vì chính ở các từ điển này chữ "kiểu" cũng được dùng để dịch tiếng " style" và tiếng " modèle". Vì motif là hình nào chính yếu tô điểm một đồ vật như " chùm nho, con cóc" ở các xà nhà, nên xin tạm dịch là mỹ thức cho tới khi nào ai tìm ra tiếng đúng hơn. Bởi Việt ngữ còn quá nghèo nàn về danh từ mỹ thuật, nên trong bài này, cần ghi thêm nhiều tiếng chuyên môn bằng ngoại ngữ mà chưa ai lo dịch. Mỗi nhà mỹ nghệ dùng khí cụ riêng, đưa tay theo những tác động riêng mà tổng số hợp thành một kỹ thuật cổ truyền hoặc mới được phổ biến.
 Như một bó hoa huệ, có thể thêu bằng kim với nét khâu mũi chỉ ( points) hay đắp nổi bằng vữa (reliefs) với chiếc bay của thợ hồ, hoặc trên gỗ với lưỡi đục của thợ mộc, hoặc dập cho lồi ra (repoussé) trên lá vàng lá bạc bằng búa nhỏ đầu vuông.
Song dù nhằm mỹ thức nào, và nhờ vào kỹ thuật nào, nếu muốn cho đẹp, các nhà mỹ nghệ thường áp dụng một vài phương thức mà những nhà nghiên cứu đã coi là những qui luật. Nhưng cũng như ở nghệ thuật, thiết nghĩ cần quan niệm một cách rộng rãi vì sự đẹp không thể đóng chặt vào những khuôn khổ cứng ngắc; những phương thức ở đây không thể có tính cách bó buộc, chẳng qua là một số kinh nghiệm rút ra từ nhiều nhận xét chung.

Hy lạp

Byzantine

Pompeienne.

Arabe

Celtique

Indienne

Moyenageuse.

 Chứng cớ là mỗi tác giả đòi hỏi một cách khác, theo giáo sư Duvillé :
                                                  Mỹ thức phải đủ những điều kiện :
                                                -  Gây cảm giác mạnh ( intensité)
                                                -  Biến cải cho vui mắt ( variété )
                                                -  Hòa hợp chi tiết và tổng thể ( concordance)
Và muốn được như vậy, ông bắt chú trọng đến qui cũ, tiết điệu và mạch lạc liên tiếp (ordre, rythme,succession).
Nhưng đối với Charles Blanc lại có những 5 luật chính và 5 luật phụ gọi bằng những danh từ khác:
   1- Nhắc lại nhiều lần đối với một mỹ thức   ( répétition)
       Phụ :  Phải theo cùng một thể một điệu    ( consonnance)
   2- Cách mỹ thức nọ đến mỹ thức kia          ( alternance )
       Phụ :  Phải cho đối chọi với nhau             ( contraste )
   3- Các hình cần được cân đối                     ( symétrie)
       Phụ :  Cho tỏa chiều đều từ trung tâm      ( rayonnement)
   4- Tiến dần từ nhỏ đến lớn, từ ít đến nhiều   ( progression)
       Phụ :  Từ thấp lên cao                             ( gradation)
   5- Trình bày hỗn tạp                                   ( confusion)
       Phụ :  Có thể theo mỹ thức phức tạp       ( complication)
Cứ một khoản thứ 5 của ông cũng đủ phá hết 4 khoản trên, vì nếu đã có thể hỗn tạp, thì mặc ý tung hoành, có quyền thoát ly khỏi những đạo luật mà quá nhiều nhà mỹ nghệ hiện nay không theo nữa. Tuy họ cũng thấy cần qui cũ đó phải tùy cá nhân liệu tìm lấy.
Dù sao những luật của các ông cũng có giá trị tương đối, hướng dẫn sự quan sát của chúng ta ở những đồ đạc đã chế theo kiểu, và giúp chúng ta dò lại những bước đường của nhà mỹ nghệ qua các thời đại, cũng không nên coi các phương thức lổi thời, vì những kiểu cũ có khi sống lại. Duy những phương thức đựơc nêu ra , có thể thu gọn cho dễ xét hơn, và bổ túc bằng những nhận định khác :
a- Phân minh ( netteté):- Trong thiên nhiên ở bờ sông, xó rừng, bãi biển, cây cối xù xì, lòa xòa hổn độn, vướng cả mắt lẩn chân tay. Trái lại, giữa nhân quần, con người cần tổ chức đời sống, hoàn cảnh do trí não tạo ra, đòi hỏi trật tự cho gọn và tiện. Mỗi đồ vật phải có hình khối với góc cạnh nhẵn, phẵng, rõ rệt ( các nhận xét ở đoạn này, cũng như trong bài này, đều căn cứ vào đa số các trường hợp thường gặp; không kể đến các kiểu đặc biệt phá cách cho tân kỳ, vì tương đối cũng ít.)Nếu đủ các điều kiện đó, thì vẻ đẹp có thể hiện ra hoặc nổi bật. Bởi vậy, người ta hay theo lề lối sau:
- Vạch kẻ, dùng nét kẻ để chia phần trên phần dưới mà giới hạn, chứa đựng các hình vào mỗi khoảng đều đặn như ở tường, cột, mái, đồ gỗ ( rainures, cannelures, moulures). Ở thời tiền sử, cổ nhân vẽ lên vách đá hoặc làm đồ kim khí, chưa biết phương thức này.
                  - Viền ở vải, da, quần áo.
                  - Nẹp ở vật cứng như gỗ, đồ đan.
- Vành, khung quanh ván, cánh cửa, gương soi, đầu mái nhà, thành khoảng tam giác hoặc mí nhà ( fronton, tympan), nhất là tranh ảnh hay tấm tranh, hể lồng vào khung, tất nổi hơn trước gấp bội.( Theo nhà mỹ học René Hughes, thì sự lồng khung do người Ai cập tìm ra trước tiên và phương thức trọng yếu này được lưu truyền mãi. Không gian được xắn ra từng khoảng, sự giới hạn đưa tới sự phân phối các hình thể và sự bố cục trên các công trình kiến trúc và mỹ nghệ.
b- Cân đối (symétrie):- Đẹp ở mỹ nghệ đi liền với tiện ích, dễ coi nhưng còn phải chắc chắn và lâu bền. Các chân bàn phải đều nhau mới đứng vững. Hai cánh cửa không thể bên to bên nhỏ thì khóa hay đóng mới chặt.
Nhà mỹ nghệ khó tránh sự cân đối; và cân đối thực ra cũng gọn mắt, hợp với nhu cầu qui cũ. Cho nên hai tay ghế đã bằng nhau, thì cũng mang những sắc hình tô điểm giống nhau.
Sự cân đối ở hình sắc đồ đạc, cần phải phân biệt rõ ràng với sự cân đối trong cách bày biện. Rất có thể nhà trang trí chỉ treo một bức tranh lệch về một góc tường, chớ không đặt vào chính giữa hoặc treo hai bức bằng nhau ở cùng hàng, vẫn để doi, nếu thích ứng với vị trí của các vật khác trong hoàn cảnh. Nhưng mọi góc cạnh của khung tranh tất nhiên không thể méo, vẫn phải song hành theo chử nhật.
  Ở một thứ đồ, nếu điều kiện vững chải, đã đủ rồi, thì sự cân đối có thể thay thế bằng sự xứng hợp. Nếu những bình hai quai dính vào hai bên cổ ( amphore) thì nhiều ấm trà thường chỉ có một quai mà trông vẫn ngay ngắn, không thấy lẻ loi, vì đường cong của quai xứng hợp với nét cong của vòi rót nước.
  Ngoài ra, nếu sự cân đối đã ở hình thể của đồ, nhất là đồ nhỏ như chiếc hộp, chiếc bình, thì không cần thấy các mỹ thức tô điểm vì sẽ quá nhiều và làm mỏi mắt.
Dẫu sao, ở mỹ nghệ thời nay, cũng như ở hội họa điêu khắc, vẽ đẹp có thể đi đôi với sự lệch lạc  cố ý, thoát lệ thường để tìm thứ tân kỳ; có những lọ pha lê uốn mình vặn vẹo, những đĩa đựng tàn thuốc lá không theo hình chi rõ rệt, gần giống mảnh lá, gần giống vỏ sò, tuy lồi ra lỏm vào, nhưng vẫn nhẳn nhụi bóng bẩy với đường nét mềm mại.
c- Nhịp điệu (rythme):- Tại sao những thềm nhiều bậc, những cầu nhiều khoang, những hàng rào sắt nhiều then, những dây đàn lục huyền, lại hấp dẫn con mắt hơn là cửa thấp bằng sân, cầu thẳng thuột tường gạch chạy dài một dây căng thẳng ở đàn bầu? Nghỉ cho cùng chỉ thấy một lý do: những then, khoang, bậc, dây đều hàng, song song, gây một cảm tưởng nhịp nhàng sánh điệu. Cũng bởi lẻ đó, mà nhiều đền đài từ xưa, người ta hay xây từng dãy cột dọc theo hành lang ( colonnades, péristyles) và giả thử bỏ hết, thì miếu Panthénon ở Nhã điển, nhà thờ Madeleine ở Ba lê, điển Alhambra ở Grenade sẽ chẳng còn đẹp nữa.
  Có thể nói các đường nét cột này nhắc lại đường nét cột kia, và lối nhắc đi nhắc lại nhiều lần ( répétition) ở kiến trúc cũng như ở mỹ nghệ, mặc nhiên thành một lệ mà bao đời lẳng lặng theo, đem một hình sắc nhân, làm mấy mươi trên tà áo, màn thêu tủ chạm...
  Có khi hai, ba mỹ thức nhỏ liên tiếp cùng hàng, như một vòng tròn rồi đến ô vuông, hay một bông hoa rồi đến một cành lá, và cứ thế mãi; sự xen cách nhau như vậy (alternance) chẳng qua cũng chỉ là lối giao nhịp phức tạp hơn là song song một nét một hình.
  Nhịp điệu còn có thể thực hiện bằng những chi tiết giao động : như những tua ( glands) ở ngù vai hay viền khăn, những nếp gấp ( plis et drapés) ở vạt áo hay tượng người, những dây buông thỏng (pendentifs) những chuổi lung linh như ở đèn trần nhiều ngọn ( lustre) . Tuy nhiên những phương thức tô điểm này ít thông dụng vì các vẻ thướt tha vướng víu không thích hợp nữa với đời sống hiện tại, cần gọn gàng.
d- Thích ứng (convenance)- Ở đồ đạc chỉ thấy đẹp khi có sự hòa hợp và nhất là điều độ, nhờ sự tương giao hoặc tương phản để chế hóa, của các đường nét, của các đường nét, hình thể và ánh sắc. Cũng như ở nghệ thuật, người  ta lợi dụng đặc tính của nét thẳng bên cạnh đường cong, của màu nóng xen lẫn màu nguội, của màu phụ màu chính làm nổi bật lẩn nhau. Đại khái như vậy, còn thì tùy sự khéo léo của người tạo tác cùng những điều kiện khách quan như sự thích ứng ở mỗi ngành mỗi loại.
  Gạch lót nhà không thể mang những hình sắc ánh nào theo lối viển họa: nếu nhìn xuống thấy gần xa, tất bước đi chập choạng dễ trượt ngã ; ở sàn nhà, đệm ghế, thảm chùi chân, không vẽ mặt người vì chẳng lẻ ngồi lên hay có thể chà đạp? Song nếu vậy, bắt các phụ nữ đem thân kiều diễm ra ra đội đèn, làm chân bàn hoặc cột nhà ( cariatides) cũng là sự quá đáng và trái nhân phẫm.

Nhịp điệu ở thánh đường La Madeleine- Paris.

  Nhiều thứ tủ Châu âu thế kỷ XV, XVI, rất nặng nề cục mịch, tuy chạm trổ vì bắt chước kiến trúc; tuy cũng cần xà ngang ván dọc, có nóc, có cửa, ván ngăn, nhưng không thể căn cứ vào vài chi tiết tương tự mà đem vào đồ vật nhỏ, những qui mô của ngôi nhà đồ sộ. Hình thể thích ứng với bề thế lớn, không thích ứng với kích thước nhỏ.
  Còn  rất nhiều tỉ dụ, nhiều trường hợp không thích ứng : bông đeo tai, mà lại chiếc xe kéo, dù nhỏ xíu; sách dạy toán pháp khô khan, mà đóng bìa gáy vàng nạm hoa, đĩa dựng tàn thuốc lá, sao lại chứa một cô khỏa thân giơ đùi ra vẫy thiên hạ?
e- Hoàn hảo( le fini)- Đẹp ở kiệt tác nghệ thuật phải man mác bất tuyệt, càng nhìn càng thấy nhiều thú vị * Người Âu Mỹ thường phàn nàn rằng, các nhà mỹ nghệ ở các nước chậm tiến đã để mất truyền thống hoàn hảo: ít khi chọn được một chiếc bình mà men không có vết, môt cái tủ mà mặt sau được bào cho thật nhẳn. Dù sao không, nếu không đáp lại nhu cầu hoàn hảo, thỉ nhiểu ngảnh mỹ nghệ sẽ chết và chết hẳn.
  Nhưng đẹp ở mỹ nghệ phải cho thấy rõ ràng, tất cả, chẳng đợi khám phá thì mới bán được. Một chiếc chén, không thể hơi méo, mặt bàn không thể hơi gồ ghề.. Tóm lại, đã tròn thì phải thật tròn, vuông phải thật vuông, trong sáng phải thật trong sáng.. nhược bằng còn để tiếc đôi chút thì khó lòng được tha thứ ; và hoàn hảo là điều yêu sách gắt gao, nhất là khi thủ công phải đương đầu với kỹ nghệ, thì sự sơ suất của bàn tay, càng bị lộ rõ bên cạnh sự tinh vi của cơ khí.
  Đồ đạc ứng dụng vào những nhu cầu thiết yếu của con người, nên dù ở các đời các xứ khác nhau, cũng mang nhiều tính cách tương tự và dể hiểu, chớ không như văn chương nghệ thuật là những giá trị tinh thần chỉ được thông cảm sau nhiều thời gian tiếp xúc. Bát đĩa, vải lụa phương Đông đưa sang phương Tây hay ngược lại, thường đến trước pho sách hay bức tranh; và bởi được trao đổi nhiều hơn giữa các dân tộc, nên sự hổ tương ảnh hưởng cũng mạnh và mau hơn các tác phẩm của Hy Lạp Trung Hoa? Điều đó không đáng chú ý bằng sự đồng nhất, mà ta càng thấy rõ ở đời sống hiện tại mỗi ngày mỗi quốc tế hóa nhiều hơn.

Của Pháp- TK XVII

Của Trung Hoa  TK XIV

  Ở Âu châu, Cận đông hay Nam mỹ các yếu tố và phương thức tô điểm đều phát nguyên từ sự quan sát tạo vật. Hình thể ánh sắc, tiết điệu..đều có sẳn trong thiên nhiên, con người chỉ tìm cách phỏng theo, châm chước để thâu được vào gổ, vải, đồng, sứ chứ không thể tự hào như một số nghệ sĩ rằng chính mình tự ý tạo ra tất cả. Bất cứ ai chịu ngắm kỷ các vật trong trời đất, dù là nhà khoa học, và nhất là nhà khoa học, đều phải chịu rằng chẳng thể nào hòa hợp và tô điểm, nếu không học hỏi hóa công.
  Phân minh, cân đối, hoàn hảo, chưa chắc đã đẹp. Nhưng ở những đố đạc thấy đẹp, thế nào cũng tìm ra một hay nhiều tính cách kể trên.Những tính cách đó không phải là xảo thuật giả tạo, nhưng vẫn có sẳn ở cánh hoa, vẩy cá, 29 hình lá cây, đường gân trên mai con mực biển, 16 thứ tinh thể của hạt tuyết (cristaux de neige), các vòng hành tinh, các hạt nguyên tử.
  Duy chỉ người thái cổ hoặc quá chất phác mới lấy hẳn những đồ vật thiên nhiên mà đeo vào thân thể hoặc đem vào nơi trú ngụ, hay cố bắt chước cho hệt. Còn khi trí tuệ đã mở mang, tất cả đều biến cải mà tìm đẹp cho đồ chế tạo, theo kỷ hà học như ở Châu âu, hoặc ý thức hình học như ở các dân tộc không tinh thông toán pháp. Sóng gợn mặt hồ, được đổi thành đường thủy ba song song hay cuộn tròn trên gấm vóc, không biết từ mấy ngàn năm nay * Theo René Hughes, thì do người đảo Crète, người Vikings tìm ra từ 1000 năm trước Dương lịch.
  Sự chuyển hóa thiên nhiên, nếu vậy, chắc phát hiện trước hết ở kiến trúc là nghệ thuật cần nhiểu hình học nhất? Cũng có thể nhà cửa là thứ đồ lớn để chứa đồ khác, thì phải có trước? Dẫu sao rất nhiều mỹ thức ở mái, tường, cửa, ở các đình đài Hy lạp, lại được áp dụng cho khí cụ vật dụng thời sau : cành lá tước vàng ( feuille d'acanthe) ở đầu cột kiểu corinthien, bông, trái, và mặt người ( grotesques, arabesques) cũng chạm hay vẽ vào nhiều bàn ghế, huy hiệu. Ở Á đông, rồng phượng nằm trên góc cung điện, cũng múa trên xiêm áo.
  Ảnh hưởng của kiến trúc càng ngày càng mạnh hơn. Từ vài chục năm nay, đã nảy ra phong trào xây dựng theo công dụng thiết thực ( architecture fonctionnelle) rời khỏi các mỹ thức rườm rà. Quan niệm đó tràn lan qua công nghệ, mỹ nghệ và mỹ học kỹ nghệ. Kiến trúc sư trút bỏ ở ngôi nhà các chi tiết * Ở các ngôi nhà xây từ 30 năm trờ lại đây, không còn thấy những phần tô điểm cổ truyền , mà ngay những phần xưa kia được coi là hữu ích, nhưng không tối cần, cũng bị bỏ đi cho khỏi tốn công và bận mắt : tỉ như các đầu cột chạm trổ hay nhiều đường nét ( chapiteaux) các đường mép chãy dọc mái nhà ( corniche) các trụ lan can hình con triện ( balustre) các ván lót tường ( lambris) thì nhà mỹ nghệ cũng tứ chối những hoa lá bay bướm ở đồ mộc, đồ sành, đồ kim khí..Thành ra tô điểm và trang trí vẫn cùng tiến triễn cùng nghệ thuật tu tạo, và đồ đạc lệ thuộc nhà cửa cũng phải theo đà giản dị hóa chung, để tìm đẹp trong thanh nhã.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Truyện : Thỏ con không vâng lời. Thơ : Soi gương.

Truyện Cây khế ( Ăn khế trả vàng )

Tranh mầm non : Sự tích cây vú sữa - Truyện : Một bó hoa tươi thắm.