TÌM ĐẸP- Đoàn Thêm-Một cuốn sách quí về Mỹ học.


             TÌM  ĐẸP  -   Đoàn Thêm.
Đoàn Thêm là nhà luật học, nhà thơ, sinh ngày 5-11-1915 tại Hà Nội, quê làng Hữu Thanh Oai, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông, nay là huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây.

Xuất thân trong một gia đình khoa bảng, con trai nhà giáo dục, cử nhân Đoàn Triển (1854-1919). Thuở nhỏ học tại trường Bưởi (Chu Văn An), đậu bằng Tú tài Pháp Việt, rồi vào trường Đại học Đông Dương, tốt nghiệp cử nhân luật trước năm 1945.
Trong kháng chiến chống Pháp ông tản cư ra vùng tự do, khoảng năm 1951 ông hồi cư về Hà Nội, sau năm 1954 vào làm việc tại Sài Gòn, từng làm việc hành chánh tại văn phòng Phủ tổng thống thời Ngô Đình Diệm (1954-1963). Sau đảo chính 1-11-1963, ông bỏ đời sống công chức, viết văn làm báo. Những năm 60 có lúc ông được trao giải thưởng “văn chương toàn quốc” (Sài Gòn), ông đã từ chối vì cho mình là một công chức cao cấp của chính quyền thì không nên nhận giải.
Sau năm 1983 ông được nhà nước Việt Nam cho phép định cư cùng con cháu tại Canada, đến ngày 8-8-2005 ông qua đời, thọ 90 tuổi.

Tác phẩm


-Hai mươi năm qua: (1945-1964) (1966)
-Việc từng ngày 1965, 1966, 1967, 1968, 1969, (1969)
-Những ngày chưa quên (1967)
-Những ngày muốn quên (1992)
-Lược khảo về hiến pháp các nước Á đông
-Lược khảo về chính đảng
-Về văn chương, nghệ thuật:
-Nhạc dế, (thơ, 1960)
-Vườn mây (nt, 1961)
-Hòa âm (nt, 1961)
-Tìm đẹp (nghị luận hội họa, 1964)
-Tìm hiểu hội họa (1965)
-Quan niệm sáng tác thơ (theo lời thi nhân và học giả Tây phương, 1962)
-Từ Thức (thơ)
-Taj Mahal (thơ)


                                                                  LỜI  NÓI  ĐẦU




Tuy mới phát triển từ cuối thế kỷ trước. Mỹ học ( Esthétique) hiện nay được phổ biến rộng rãi ở các nước tiên tiến, theo cùng một đà mau lẹ như các môn nghiên cứu và phê bình nghệ thuật khác. 
 Bắc nhịp cầu giữa các địa hạt nghệ thuật và triết lý, Mỹ học mở đầu những phạm vi bao la và tân kỳ cho trí tuệ và cảm quan, hay đúng hơn, đã lan tràn ra mọi trạng thái cuộc sống, để nhận hoặc tìm thêm vẽ đẹp.
Môn học này đã ảnh hưởng mạnh mẽ ngấm ngầm vào sự tiến hóa của nghệ thuật thuần túy, mỹ nghệ, công nghệ, kỹ nghệ.  Nhưng kết quả quan sát và suy luận của nhà mỹ học, giúp ích nhiều cho các nghệ sĩ tìm đường sáng tác, và đem lại cho các giới thưởng thức những ý niệm quảng bác và linh động để hưởng thụ mọi kỳ thú của sự đẹp giữa nhân quần cùng tạo vật.
Bởi đối tượng và phạm vi của mỹ học rất rộng lớn, soạn giả chỉ dám nêu lên và trình bày một vài vấn đề chính yếu, với ước vọng góp phần nhỏ mọn vào công cuộc quảng bá thường thức căn bản, ở một lãnh vực đáng được chú trọng nhiều hơn.
                                                                                                           Đoàn Thêm.


                                                 TÔ ĐIỂM TRONG MỸ NGHỆ   ( Chương V )


Trong những lúc ngắm đồ đạc, qua trăm ngàn hình thái khác nhau, ở mỗi loại mỗi thời, tôi vẫn thường thấy lơ mơ hình như có điểm chung. Cố tìm, thì dần dần hiện rõ: chính là ở phần tô điểm. Bông hoa được thêu ở bức rèm, chạm ở góc bàn, dệt trên tấm thảm, khắc ở đồ nữ trang...
   Đã có những điểm chung, tất có những cách thức hay thể lệ chung cho các mỹ nghệ. Nếu bao quát được, thì sẽ đở tốn thì giờ dò xét tỉ mỉ mà cũng nắm được dể dàng các đặc tính, vì đồ đạc như rừng, mỗi ngày sản xuất một nhiều, nên cần có ý thức tổng hợp.
   Mỗi ngành chế tạo dĩ nhiên phải theo kỹ thuật riêng, tùy nhiên liệu và dụng cụ cần thiết. Song nếu tô điểm, thì cổ lai vẫn tìm đẹp ở chất, sắc ánh, hình và sự sắp đặt cho cân đối, có nhịp điệu hoặc  ý nghĩa.
   Nhưng các yếu tố và các mục tiêu nói trên, chẵng cũng chung cho cả nghệ thuật hay sao ? Có khác nhiều, vì ở nghệ thuật, mỗi tác phẫm muốn thành công phải có tính cách độc đáo duy nhất và sáng tạo theo một đường lối đặc biệt; còn ở mỹ nghệ, mỗi thứ đồ có thể và cần được chế ra thành rất nhiều đơn vị cùng một kiểu ( hàng vạn ghế Louis XV) và những phương thức kỹ thuật phải tương đối giản dị để dễ áp dụng và phổ biến.

                                                  CÁC YẾU TỐ TÔ ĐIỂM

 Chất liệu : - Vẽ đẹp của mỹ nghệ một phần mượn ở chất liệu thiên nhiên, ở vân gỗ, cẩm thạch, vàng, kim cương...Song chất liệu không những dùng để chế tạo, còn để ghép thêm mà tô điểm cho những đồ đạc thuộc về loại hay ngành khác. Hạt  trai, mặt đá của những nữ trang được đính vào nhiều bức thêu : Khảm xà cừ, bạc , đồng được đem dát, cẩn, nạm khay hộp, bàn, cánh cửa, chuôi kiếm : đá hoa, gạch men, ngà voi đóng cùng với ván lát ( marqueterie); lông chim hay xòe trên mũ quân nhân thời xưa hay tù trưởng thời nay ở nhiều miền sơn cước.
Màu  sắc : Màu sắc là yếu tố quan trọng bậc nhất, có khi độc nhất trong sự tô điểm, nhưng ở mỹ nghệ mang một đặc tính : phải rải rất đều tay, nhẳn, phẵng trên cùng một diện tích ( à plats) gọi là sơn thỉ dễ hiểu hơn. Những vết nguệch ngoạc phất phơ có thể rất đẹp ở họa phẩm, sẽ bị coi là vụng về trên vuông lụa, tờ bìa hay tấm thảm ,đồ gốm.
  Khi con người có nhiều tham vọng phô trương và khắc phục thì hay tìm màu sắc huy hoàng sán lạn cho những hình thể nguy nga hoặc oai vệ : cửa khốn khuyết, giáp trụ, hoành phi, bát bửu...Những đồ đạc của vua chúa các thời các xứ văn minh và cả các bộ lạc.  Trãi qua bao nhiêu triều đại, cái đẹp bị xáo trộn cùng quí giá và sang trọng nên màu sắc như vàng son chỉ để phụng sự một số tầng lớp xã hội.
  Phải đợi đến cận đại, các nhà mỹ nghệ và chuyên viên trang trí mới giải thoát cho màu sắc khỏi những ước lệ lâu đời, mà sử dụng cho đúng với  nhu cầu mỹ thuật , tìm đẹp trong sự hòa hợp với các yếu tố khách quan khác như chất liệu, diện tích, khối lượng, công dụng của đồ đạc.
  Nhưng tránh rực rở lòe loẹt, thì lại hay rơi vào buồn tẻ, lạnh ngắt: đó là tình trạng rất nhiều sản phẫm chế tạo bằng cơ khí, kể cả những máy móc; nâu, đen, xanh, xám không những là áo người lao động. Màu tường, mái các xưởng, các guồng xích, bánh xe, còn là màu xe hơi, tàu thủy, chai hộp, cây viết, bàn ghế và bao nhiêu đồ đạc khác mà kỹ nghệ đã đem lại cho loài người ngót hai thế kỷ nay. Bởi vậy, nhiều nhà xã hội học và mỹ học đã lo thay đổi không khí nặng nề và nhờ màu sắc gây một hoàn cảnh vui tươi hơn, ở đồ vật và những nơi làm việc, trường học, nhà ga, phòng đọc sách, trại lính, công sở. Trong nhiều xí nghiệp, hiện nay có nhiều chuyên viên về màu sắc ( coloriste conseil ). Ở nơi nào trụ sở và dụng cụ có màu sắc đẹp, thì số tai nạn lao động giảm đi, và sức làm việc lại tăng lên nhiều : rút kinh nghiệm ở 200 xí nghiệp lớn nhỏ sau đại chiến II. Có lẽ vì thế, mà hồi gần đây, nhiều bàn ghế và xe xe hơi cũng mang màu sắc rực rở?.
Ánh bóng :- Nhiều thứ đồ cần có hình thái giản dị cho vừa ý đa số người hiện nay. ( Thời xưa, con người hay chế tạo tỉ mỉ, chạm khắc cả những vũ khí, áo giáp, ở phương Đông cũng như phương Tây; nghệ sĩ Gellini bên Ý khắc cả sự tích ngưởi khổng lồ giao chiến ở đầu chuôi dao găm. Vả lại công dụng thiết thực không dung thứ những nét vẽ bay bướm ( như ở báng súng ) hoặc những màu quá vui mắt dễ làm cho đảng trí và có khi gây tai nạn ( xe cộ ). Nên chỉ có thể tìm đẹp bằng cách mài nhẳn và đánh bóng. Đối với những khí cụ không thể bày nhưng để cầm, mó, vịn , đẩy; nghĩa là xúc giác ở đây phải được thỏa mản nhiều hơn thị giác. Ngoài các chất sơn, nhựa láng ( vernis), chất men ( email ) ngày càng được phổ biến, cùng các chất kim khí như kền (nickel) và cờ rôm ( chrome) khám phá từ năm 1797. Sự bôi bóng và mạ sáng khiến cho những đồ vật tầm thường nhất như cái muỗng, viên gạch, chiếc đinh khiến ra sạch, mát, mới, vui; song kỹ xảo này hay bị lạm dụng, nên nhiều đồ mang hào nhoáng của kẻ học làm sang :  chân bàn, tay ghế, xe hơi lộng lẫy với những phụ tùng vành, nẹp, ngáng làm choáng mắt khách qua đường.
Hình trạng :- Kỹ nghệ mỗi xứ và mỗi thời, cũng như nghệ thuật cũng có tính cách riêng hợp thành những kiểu thức đặc biệt. Song xét về chi tiết, thì ở bất cứ ở nơi nào và bao giờ cũng có rất nhiều hình chung, trong sự cố gắng làm tăng vẻ đẹp của đồ đạc.
  Số các hình đó không thể nào đếm cho hết, nhất là hiện nay nhà mỹ nghệ cũng như nghệ sĩ theo đường lối tự do, tùy hứng tùy tài mà tạo tác.
  Nhưng tựu trung các hình tô điểm đại khái có thể phân ra hai loại , căn cứ vào nguồn gốc chính của sự đẹp :
Tạo vật và kỷ hà học.
  Ở loại thứ nhất, các hình thuộc về tinh tú, vũ trụ, thảo mộc, cầm thú, nhân vật, thần tiên hay đồ vật với hai mục đích. Trước hết con người nhận thấy những vẻ đẹp thiên nhiên muốn thu lấy cho mình mà tô điểm thân thể cùng hoàn cảnh : yêu hoa ở cánh đồng, rừng , bụi đem về trồng thành vườn, rồi in hoa lên áo. Ngoài ra nhiều hình có thể hợp với một tín ngưỡng hay một ý thức, nên được vay mượn để thể hiện niềm tin : cán cân thăng bằng tượng trưng cho công lý, chim đại bàng giương cánh để tỏ trí quật cường, tứ linh long lân qui phượng tức các sức mạnh cao quí trong trời đất.
-Tinh tú và vũ trụ : như mặt trăng, mặt trời, ngôi sao, đợt sóng ( ở  cờ, mũ, binh phục, huy chương.)
-Thảo mộc : như mai. lan, cúc, trúc của phương Đông, bông huệ ở áo các dòng họ vua chúa Capet bên Pháp, cành trúc đào ở mũ văn võ phương Tây, lá acanthe ở đầu cột nhà, các thứ hoa lá ở tường, trần ( rinceaux, frises)...
-Cầm thú : Bạch nga, nhạn, yến, chim sẻ, dơi, rắn, ngựa, hươu, hổ báo, dê núi ( bouquetin ở lọ và bàn ghế)
-Nhân vật thần tiên : Thần ái tình  nhỏ như con nít ( amours), thần vệ nữ, các nhân ngư ( sirènes), người thân bò ( centaures), người thân dê máu dê ( satyres), bát tiên quá hải, thần Vishou của Ấn độ.Người thật thì ít lắm, trừ vài bộ phận như sọ hốc hác đặt trên hai xương đùi.
-Đồ vật: Như bát bửu, khí giới, cây bút và thanh kiếm ở bình phong bội tinh, đàn thất huyền ( Lyre ), ống kèn ( trompette), bầu rượu túi thơ...
   Loại thứ hai gồm các hình kỷ hà học, tam giác, bát giác, vuông, bầu dục...hay nói cho gọn hơn, là muôn vàn đường góc diện tích kết hợp theo các chấm ( points) vạch thẳng ( droite) hay vạch cong ( courbe).
Các chấm hoặc hạt nhỏ có thể tụ vào một khoảng nhỏ hay xếp đặt đều hàng như trên mặt con súc sắc, lấm tấm như sao trên vải lụa điểm ánh vàng bạc ( granulé, pailleté).
  Đường thẳng đứng, nằm hay nghiêng, đều cứng cỏi, rành mạch nhưng dể coi hơn nếu đi song song nhiều vạch ( rayures) : khi chắp hình thành, thì mỗi hình đều gợi cảm tưởng khác nhau tùy người ; đối với riêng tôi : Tam giác: sắc cạnh, nhọn, ác - Vuông: đầy đủ nhưng chặt chẻ quá - Lục lăng : đều hòa - Chử nhật : dể ưa hơn cả vì thế đa số các khung tranh, mặt bàn, cánh cửa, danh thiếp đều theo hình đó.
  Đường cong hóa ra hình tròn hay trái xoan có thể uốn mềm như cung ( arcs) lượn quanh nhiều khúc ( serpentine, méandres) cuốn vài vòng ( volutes) xoáy trôn ốc ( spirales). Tròn cong thì mềm, nhẹ, xinh, dễ kết hợp với tâm tình hơn là lý trí, nhưng dùng vụng hoặc nhiều dễ sinh yếu đuối, rườm rà, nên cần được những đường thẳng chế ngự.
  Dù thẳng hay  cong, các đường thường được chắp nối cho liên tiếp ( arrangements continus) bắt ngang hay đón dọc thành những ô hay màn lưới ( réseaux, quatrillages) tỏa ra nhiều chi nhánh ( ramifications) . Tóm lại đi từ đơn giản đến phức tạp để thành mỹ thức:


grecques

Mê cung nhiều lối- labryinthe.


hình ngôi sao-étoiles


bát quái.


kẻ vạch lồi lỏm- cannelure.


vòi cuốn- vrille.

bánh xe quay- roue tourbillon.

đường tết chéo- entrelacs.

xòe đều- rosaces.








các loại cành lá ở điêu khắc và kiến trúc.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Truyện : Thỏ con không vâng lời. Thơ : Soi gương.

Truyện Cây khế ( Ăn khế trả vàng )

Tranh mầm non : Sự tích cây vú sữa - Truyện : Một bó hoa tươi thắm.